Vương Đình Huệ từ chức Chủ tịch Quốc hội

sự kiện chính trị tại Việt Nam năm 2024

Vào ngày 26 tháng 4 năm 2024, truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin về việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định cho phép Vương Đình Huệ, người giữ chức Ủy viên Bộ Chính trịChủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ nhiệm. Ông trở thành "trụ" thứ ba trong số Tứ trụ của Việt Nam từ chức trong vòng một nhiệm kỳ sau Nguyễn Xuân PhúcVõ Văn Thưởng. Đồng thời, cũng là người thứ 5 thôi chức khỏi vị trí Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13. Ông từ chức với lý do vi phạm "Quy định những điều Đảng viên không được làm", "Quy định về trách nhiệm nêu gương của các bộ, đảng viên" và "Chịu trách nhiệm người đứng đầu". Thông tin ông từ chức được đưa ra vài ngày sau khi Phạm Thái Hà – trợ lý của ông bị bắt giữ do các sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An. Việc nhiều cán bộ cấp cao tại Việt Nam phải từ chức đã gây quan ngại về sự ổn định của chính trị Việt Nam trong bối cảnh chiến dịch đốt lò ngày càng gia tăng kể từ năm 2020. Việc miễn nhiệm ông đã chính thức được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 2 tháng 5 năm 2024. Quá trình từ chức của Vương Đình Huệ cũng được cho là tương tự với Võ Văn Thưởng.

Vương Đình Huệ từ chức Chủ tịch Quốc hội
Một phần của Vụ sai phạm tại Tập đoàn Thuận AnChiến dịch đốt lò
Vương Đình Huệ khi còn là Chủ tịch Quốc hội vào năm 2023
Thời điểm
  • 26 tháng 4 năm 2024 (từ chức)
  • 2 tháng 5 năm 2024 (miễn nhiệm)
Nguyên nhân
  • Vi phạm về quy định những điều đảng viên không được làm, quy định về trách nhiệm nêu gương của các bộ, đảng viên...
  • Chịu trách nhiệm người đứng đầu
Hệ quả

Tuy nhiên, theo truyền thông phương Tây, việc nhiều cán bộ tại Việt Nam phải từ chức được xem là một phần trong cuộc "đấu đá nội bộ" tranh giành quyền lực trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 sẽ được diễn ra vào tháng 1 năm 2026 ở vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, thay thế cho Nguyễn Phú Trọng trong khi sức khỏe ông đang bị suy giảm.

Bối cảnh

Các sai phạm tại Tập đoàn Thuận An

Vào tối ngày 15 tháng 4 năm 2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thuộc Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố nhiều cán bộ có liên quan đến các sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An (gọi ngắn: Tập đoàn Thuận An). Trong đó bao gồm, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tập đoàn do ông Nguyễn Duy Hưng sáng lập và nhiều cán bộ ở tỉnh Bắc Giang.[1][2] Tổng cộng đã có 5 người bị bắt giữ trong lúc quyết định khởi tố được công bố.[2] Đến ngày 22 tháng 4, C03 tiếp tục công bố khởi tố bổ sung, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà – người giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.[3][4] Tuy vậy, thông tin về việc bắt giữ ông đã được các cơ quan truyền thông hải ngoại như Người Việt cho rằng việc bắt giữ xảy ra sau khi ông Vương Đình Huệ cùng đoàn cán bộ của mình trở về Hà Nội sau chuyến thăm Bắc Kinh.[5] Các cơ quan truyền thông này cũng cho rằng việc ông Vương Đình Huệ sang thăm Trung Quốc trong thời gian này là nhằm để đi "cầu viện" nước này để giữ vị trí của mình trong Quốc hội Việt Nam.[6] Trong Điều 7, Quy định 41 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng quy định cán bộ có thể sẽ phải căn cứ miễn nhiệm, từ chức do các vấn đề liên quan đến "trách nhiệm của người đứng đầu". Quy định này đã được Bộ Chính trị ban hành và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký vào tháng 11 năm 2021.[7]

Chiến dịch đốt lò

 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đã khởi xướng chiến dịch đốt lò.

Đến năm 2016, Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu thực hiện chiến dịch phòng chống tham nhũng mang tên "đốt lò" được khởi xướng bởi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.[8][9] Chiến dịch được khởi xướng sau giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng khiến nhiều người cho rằng việc tham nhũng đang được tạo điều kiện phát triển ở Việt Nam.[9] Kể từ năm 2022, chiến dịch này đã được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.[10] Trước đó, trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trở thành Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Đảng Cộng sản Việt Nam.[11] Đến tháng 11 cùng năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành Quy định số 41 với Điều 7 quy định các cán bộ có thể sẽ phải xem xét từ chức, miễn nhiệm do liên quan đến "trách nhiệm của người đứng đầu" do các sai phạm của cấp dưới.[7] Cũng chính vì lý do này mà nhiều cán bộ cấp cao tại Việt Nam đã phải từ chức do các sai phạm của trợ lý mình như Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam do liên quan đến các sai phạm tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á.[12] Sau đó là việc ông Nguyễn Xuân Phúc từ chức với lý do tương tự khi để nhiều cán bộ cấp dưới của mình vi phạm.[13] Đến tháng 3 năm 2024, các sai phạm xung quanh Tập đoàn Phúc Sơn cũng đã bị phát giác khiến cho nhiều cá nhân bị bắt giữ và bao gồm sự từ chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.[14] Chỉ trong năm 2023, đã có tổng cộng 459 đảng viên bị kỷ luật vì tham nhũng.[11] Tuy nhiên, cũng có nhiều cáo buộc cho rằng chiến dịch đang được sử dụng cho mục đích chính trị nhằm tranh giành quyền lực nội bộ, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu phủ nhận cáo buộc này.[15]

Trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14

Vào năm 2021, Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp trong Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp.[16] Ông là 1 trong 10 trường hợp "đặc biệt" đắc cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.[17] Vào năm 2024, ở độ tuổi 79, sức khỏe của ông Trọng được cho là suy giảm. Hồi ngày 14 tháng 4 năm 2019, khi ông Trọng đắc cử nhiệm kỳ thứ hai cũng được cho là bị đột quỵ khi đang công tác tại Kiên Giang. Trong nhiều lần công khai sức khỏe với báo chí, ông Trọng cũng khẳng định bản thân mình "không khỏe lắm".[18] Trước khi bế mạc Đại hội lần thứ 13, ông Trọng cũng có phát biểu về tình hình sức khỏe của mình, "Bây giờ tôi không được khỏe lắm, tuổi cũng đã cao, cũng xin nghỉ rồi, thế nhưng Đại hội bầu phải làm, Đảng viên thì phải chấp hành".[19] Theo truyền thông phương Tây, vì ảnh hưởng sức khỏe và ở giai đoạn tuổi tác cao, nhiều khả năng cao ông không thể tiếp tục nhiệm kỳ mới với vai trò Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14, nhiều đối thủ bắt đầu chen chân hạ bệ nhau để tranh giành quyền lực và kế nhiệm ông Trọng.[20][21]

Từ chức và miễn nhiệm

Theo Người Việt, một tờ báo hải ngoại về Việt Nam, chuyến thăm Trung Quốc của Vương Đình Huệ kéo dài từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 4 được diễn ra trong bối cảnh có nhiều bất lợi về chính trị cho ông và ông sang thăm nước này được cho là vì mục đích "cầu viện".[6] Tuy nhiên, truyền thông Việt Nam bác bỏ điều này.[22] Cũng theo tờ báo Người Việt, ông Phạm Thái Hà, trợ lý của Chủ tịch Quốc hội đã bị bắt giữ ngay sau khi ông Vương Đình Huệ kết thúc chuyến thăm Trung Quốc[5] và đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào ngày 12 tháng 4 năm 2024.[23] Tuy nhiên, đến ngày 22 tháng 4 năm 2024, truyền thông Việt Nam mới chính thức đưa tin về việc bắt giữ ông Phạm Thái Hà do các sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An.[3] Việc này được cho là ảnh hưởng đến ông Huệ[5] khi theo Quy định 41 của Bộ Chính trị ban hành thì cán bộ sẽ có thể phải từ chức, miễn nhiệm trong bối cảnh "trách nhiệm của người đứng đầu".[7] Trong khi đó, theo Asia Sentinel, một tờ báo chuyên đưa tin về châu Á có trụ sở tại Hoa Kỳ, lại cho biết Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch kiêm người sáng lập Tập đoàn Thuận An là em họ của ông Vương Đình Huệ.[24]

Đến ngày 26 tháng 4 năm 2024, sau phiên họp bất thường tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 đã cho phép ông Vương Đình Huệ từ chức và nghỉ công tác. Ông từng giữ các chức vụ như Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021–2026. Theo thông cáo, ông đã vi phạm "Quy định những điều Đảng viên không được làm", "Quy định về trách nhiệm nêu gương của các bộ, đảng viên" và "Chịu trách nhiệm người đứng đầu". Hành vi của ông cũng được cho là "gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước và cá nhân ông".[25] Việc từ chức của ông diễn ra vài ngày sau khi có thông báo về việc bắt giữ trợ lý của ông do các sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An.[4] Việc Vương Đình Huệ từ chức đã khiến ông trở thành nhân vật thứ hai trong Tứ trụ của Việt Nam từ chức chỉ trong vòng 2 tháng sau Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.[26] Ông đồng thời cũng là người thứ 5 trong Bộ Chính trị phải rời khỏi các chức vụ trong nhiệm kỳ 2021–2026.[27] Vào sáng hôm thông tin ông từ chức được công bố, truyền thông Việt Nam còn đưa tin ông cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính viếng thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 49 năm kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.[21][28]

Ngày 1 tháng 5, Quốc hội Việt Nam công bố chính thức về việc tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét công tác nhân sự diễn ra vào ngày 2 tháng 5 tại Hà Nội.[29] Đây là kỳ họp bất thường lần thứ 7 trong nhiệm kỳ Quốc hội Việt Nam khóa 15. Trong phiên họp, Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu kín và thông qua việc miễn nhiệm các chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021–2026; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh cũng như cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu quốc hội khóa 15 đối với ông Vương Đình Huệ.[30] Đồng thời, Trần Thanh Mẫn – Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội sẽ điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến khi bầu được Chủ tịch Quốc hội mới.[31]

Phản ứng

 
Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam Tô Lâm, người được truyền thông quốc tế đánh giá là đang có quyền lực ngày càng gia tăng trong chính trị Việt Nam.

Theo BBC News, việc nhiều cán bộ Việt Nam phải từ chức được cho là "đấu đá nội bộ" trước khi Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 được dự kiến tổ chức vào tháng 1 năm 2026. Đài này cũng cho rằng quyền lực đang ngày càng gia tăng đối với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nhiều ý kiến cho rằng, "Việc ông Vương Đình Huệ bị mất chức đã khiến khả năng Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng Bí thư càng cao hơn". Theo Carl Thayer, một giáo sư từ Đại học New South Wales của Úc cho rằng, ông Lâm là người có tín nhiệm thấp khi xếp ở vị trí thứ 43 trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội Việt Nam khi giữ 400/500 phiếu. Trong khi đó, Đảng Cộng sản Việt Nam thường tìm kiếm đến người có sự ổn định và đồng thuận cao. BBC dẫn lời cho rằng, việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương điều tra về các sai phạm của Tô Lâm vẫn có thể xảy ra nhưng không phải vào lúc này.[11] Hãng thông tấn Reuters nhận định về việc bất ổn chính trị đã diễn ra ở một quốc gia được xem là ổn định về chính trị. Tờ báo cũng cho rằng việc cải tổ lớn các nhà ngoại giao và quan chức sẽ diễn ra như một công cuộc tìm kiếm người giữ chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thay thế Nguyễn Phú Trọng. Trong một cuộc khảo sát trên 650 lãnh đạo nước ngoài tại Việt Nam thì việc họ tìm đến Việt Nam vì sự ổn định chính trị tại đây và những vấn đề hiện nay có thể gây quan ngại cho các nhà đầu tư.[11] Tuy nhiên, điều này được cho là sẽ không xảy ra ngay lập tức.[32] The New York Times cũng có bình luận tương tự, thời báo này còn dẫn lời về việc trước đó ông Huệ còn là một trong những cá nhân được đánh giá cao cho vị trí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cho đến khi vướng vào những bê bối.[21] Associated Press cho biết, các bê bối chính trị hiện nay ở Việt Nam sẽ ngăn cản tham vọng kinh tế của nước này khi muốn thay thế Trung Quốc trở thành chuỗi cung ứng trong khu vực.[20]

"Trong 30 năm theo dõi chính trị Việt Nam, tôi chưa từng thấy thời kỳ nào mà đấu đá nội bộ lại mạnh và quy mô rộng khắp như thế này. Tôi chưa từng thấy nhiều người bị xử lý đến như vậy."

Zachary Abuza, trường National War College, Đại học National Defense (Mỹ)[33]

Trong khi đó, Đài tiếng nói Hoa Kỳ lại cho rằng việc từ chức của ông Huệ sẽ không ảnh hưởng đến chính sách của Việt Nam nhưng sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và cộng đồng quốc tế ở một quốc gia luôn tự hào về sự ổn định chính trị, "Khi người nước ngoài nhìn vào chắc họ sẽ lo lắng và bất ngờ, vì có lẽ cũng chưa có nước nào như Việt Nam đã xử lý đến ngần đấy vụ trong một khoảng thời gian ngắn". Việc ông Huệ từ chức cũng sẽ làm "trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng tìm nhân vật kế nhiệm" ông Nguyễn Phú Trọng.[26] Tương tự, Bloomberg cũng cho rằng việc ông từ chức sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế Việt Nam. Vào hôm ông từ chức, đồng Việt Nam cũng dao động ở mức 25.348 đồng trên một đô la Mỹ, quanh mức thấp kỷ lục. Trong khi đó, trên sàn giao dịch chứng khoán tại Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ số của VN-Index còn ghi nhận tăng tưởng 1%.[34] Theo văn phòng thống kê Việt Nam, sự đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong tháng 4 thậm chí đã có sự gia tăng ở mức 3,1 tỷ USD do Trung QuốcHồng Kông thúc đẩy.[32] Tuy nhiên, việc nhiều người phải từ chức được coi là "chưa từng có tiền lệ" cho một thời kỳ xáo trộn chính trị ở Việt Nam. David Hutt, nhà báo cho The Diplomat chia sẻ trên BBC cho rằng việc công an giữ trong tay quyền lực sẽ không tốt đẹp cho người dân Việt Nam hay các doanh nghiệp, đặc biệt là sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 14 vào năm 2026.[33] Theo Người Việt, sự từ chức của ông Vương Đình Huệ cũng tương đồng với ông Võ Văn Thưởng trước đó.[35]

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, các vi phạm của Vương Đình Huệ đã làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước và chính bản thân ông trong khi ông là một cán bộ được ca ngợi là "đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở".[25] Sau một ngày công bố thông tin Vương Đình Huệ từ chức, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho rằng mỗi cán bộ phải "thấm nhuần tư tưởng của Đảng" và "trách nhiệm cao về lĩnh vực phụ trách". Đồng thời cũng phải là "tấm gương [...] cho quần chúng noi theo". Tờ báo này cũng khẳng định việc làm Đảng trong sạch, củng cố niềm tin của nhân dân là nền tảng quan trọng nhất.[36] Tương tự, một bài viết khác của báo Nhân Dân cũng cho rằng việc xử lý cán bộ đang ngày càng nghiêm minh.[37] Trước đó, trong giai đoạn xuất hiện những tin đồn xoay quanh chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ, Cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho biết những thông tin "cầu viện" hay "chính trường Việt Nam sắp bất ổn" là thông tin sai sự thật và xem đây là xuyên tạc. Đơn vị này cũng khẳng định không có chuyện "nước ngoài can thiệp" vào Việt Nam.[22] Báo Bình Phước cũng có bài viết tương tự và nhắc đến Việt Tân, Chân Trời Mới Media, báo Tiếng Dân, Đài Á Châu Tự Do... như những điển hình cho luận điệu xuyên tạc.[38]

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ Hải Nam (15 tháng 4 năm 2024). “Bắt Chủ tịch và Tổng Giám đốc Tập đoàn Thuận An”. Báo điện tử Dân Trí. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  2. ^ a b “BỘ CÔNG AN: Tập trung lực lượng, mở rộng điều tra vụ án Tập đoàn Thuận An”. Cổng thông tin điện tử Chính phủ. 18 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 18 tháng 4 năm 2024.
  3. ^ a b “Vietnam police arrest National Assembly chairman's assistant” [Công an Việt Nam bắt giữ trợ lý Chủ tịch Quốc hội]. Reuters. 22 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.
  4. ^ a b Thái Sơn (22 tháng 4 năm 2024). “Khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Thái Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.
  5. ^ a b c Ma, Quan (15 tháng 4 năm 2024). “Sau Võ Văn Thưởng, có dấu hiệu cho thấy một 'trụ' nữa của Việt Nam có thể bị 'cưa ghế'. Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  6. ^ a b “Chuyến đi "sống còn" đến Bắc Kinh "cầu viện" của ông Vương Đình Huệ”. Người Việt. 9 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  7. ^ a b c “Quy định số 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ”. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. 3 tháng 11 năm 2021. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  8. ^ Ratcliffe, Rebecca (11 tháng 4 năm 2024). “Vietnamese property tycoon sentenced to death in $27bn fraud case” [Trùm bất động sản Việt Nam bị kết án tử hình trong vụ lừa đảo 27 tỷ USD]. The Guardian (bằng tiếng Anh). ISSN 0261-3077. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 13 tháng 4 năm 2024.
  9. ^ a b Alex Berry (1 tháng 12 năm 2023). “Vietnam reels from historic €11.4 billion corruption scandal” [Việt Nam chấn động sau vụ bê bối tham nhũng lịch sử 11,4 tỷ euro]. DW (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 18 tháng 12 năm 2023. Truy cập ngày 12 tháng 4 năm 2024.
  10. ^ “Vietnam tycoon Truong My Lan sentenced to death in $12.5bn fraud case” [Bà trùm Việt Nam Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong vụ lừa đảo 12,5 tỷ USD]. Al Jazeera (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 14 tháng 4 năm 2024.
  11. ^ a b c d “Đại tướng Tô Lâm: nhân vật trung tâm sau khi ông Vương Đình Huệ mất chức”. BBC News Tiếng Việt. 27 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  12. ^ Thành Chung (9 tháng 1 năm 2023). “Lý do miễn nhiệm Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  13. ^ Thành Chung (17 tháng 1 năm 2023). “Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII”. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 3 năm 2023. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  14. ^ An Quỳnh (26 tháng 2 năm 2024). “Bắt Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn cùng 5 đồng phạm”. Báo Công an Nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 21 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2024.
  15. ^ “Explainer: Vietnam's president resigns: who's who and what comes next?” [Giải thích: Chủ tịch nước Việt Nam từ chức: ai là ai và điều gì sẽ xảy ra?]. Reuters. 21 tháng 3 năm 2024. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2024.
  16. ^ Lê Hiệp (31 tháng 1 năm 2021). “Ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử Tổng bí thư khóa XIII”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  17. ^ Lê Hiệp; Vũ Hân (31 tháng 1 năm 2021). “10 trường hợp "đặc biệt" trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII”. Báo Thanh Niên. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 7 năm 2023. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  18. ^ “Sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được quan tâm, công an địa phương bất ngờ bác bỏ”. BBC News Tiếng Việt. 14 tháng 1 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 2 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  19. ^ Đà Trang; Viễn Sự; Tiến Long (1 tháng 2 năm 2021). “Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Tôi xin nghỉ nhưng Đại hội bầu, đảng viên phải chấp hành'. Báo Tuổi Trẻ. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  20. ^ a b “Head of Vietnam's parliament resigns amid corruption probe” [Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì điều tra tham nhũng]. AP News (bằng tiếng Anh). 26 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  21. ^ a b c Wee, Sui-Lee (26 tháng 4 năm 2024). “Resignation of Vietnam's Parliament Chief Stirs Fresh Political Chaos” [Việc Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức sẽ gây ra sự hỗn loạn chính trị mới]. The New York Times (bằng tiếng Anh). ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc ngày 28 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 28 tháng 4 năm 2024.
  22. ^ a b T.H (24 tháng 4 năm 2024). “Luận điệu của những kẻ lạc loài”. Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  23. ^ Luân Dũng (12 tháng 4 năm 2024). “Chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thành công tốt đẹp”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  24. ^ “Viet Scandals Keep Coming” [Bê bối Việt tiếp tục đến]. Asia Sentinel (bằng tiếng Anh). 17 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  25. ^ a b Nguyễn Hoàng (26 tháng 4 năm 2024). “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ”. Báo Chính phủ. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  26. ^ a b “Giới quan sát: Vương Đình Huệ từ chức cho thấy dấu hiệu khủng hoảng chính trị thượng tầng”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ. 27 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  27. ^ “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị”. BBC News Tiếng Việt. 27 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  28. ^ “Vietnam parliament chief quits over 'violations' in latest leadership upheaval” [Chủ tịch Quốc hội Việt Nam từ chức vì 'vi phạm' trong cuộc biến động lãnh đạo mới nhất]. South China Morning Post (bằng tiếng Anh). 26 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 26 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  29. ^ Văn Duẩn (1 tháng 5 năm 2024). “Ngày mai 2-5, Quốc hội họp bất thường để xem xét về công tác nhân sự”. Báo Người Lao Động. Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 1 tháng 5 năm 2024.
  30. ^ Đức Minh (2 tháng 5 năm 2024). “Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội với ông Vương Đình Huệ”. Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  31. ^ “Phân công Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội”. Báo Tin tức. 2 tháng 5 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  32. ^ a b Francesco Guarascio; Phuong Nguyen (2 tháng 5 năm 2024). “Vietnam parliament backs chairman's resignation amid anti-bribery drive” [Quốc hội Việt Nam thông qua việc Chủ tịch từ chức trong nỗ lực chống hối lộ]. Reuters. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2024.
  33. ^ a b “Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ chức: thêm một cơn địa chấn chính trị”. BBC News Tiếng Việt. 27 tháng 4 năm 2024. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  34. ^ Nguyen Dieu Tu Uyen (26 tháng 4 năm 2024). “Vietnam's No. 4 Leader Said to Resign Amid Probes” [Lãnh đạo số 4 của Việt Nam tuyên bố từ chức giữa lúc bị điều tra]. Bloomberg (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  35. ^ N.H.K (26 tháng 4 năm 2024). “Vương Đình Huệ được đảng 'cho nghỉ' y hệt Võ Văn Thưởng”. Báo Người Việt. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2024. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2024.
  36. ^ Lê Thị Bình (27 tháng 4 năm 2024). “Thường xuyên tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  37. ^ Nguyễn Trung Thực (27 tháng 4 năm 2024). “Nhận thức đúng về mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín”. Báo Nhân Dân. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 5 năm 2024. Truy cập ngày 2 tháng 5 năm 2024.
  38. ^ Anh Tú (11 tháng 4 năm 2024). “Luận điệu xuyên tạc trắng trợn”. Báo Bình Phước. Truy cập ngày 3 tháng 5 năm 2024.